Phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ
Hiện nay có rất nhiều phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ. Mỗi trẻ tự kỷ khác nhau sẽ được tiến hành kết hợp các phương pháp can thiệp khác nhau tùy theo khả năng, mức độ, giai đoạn và sự tiến triển bệnh của trẻ. Một trong những phương pháp được quan tâm và sử dụng nhiều nhất trong can thiệp trẻ tự kỷ là phương pháp ABA.
Chia sẻ của An Nam
Phương pháp ABA (Applied Behavioral Analysis) là phương pháp ứng dụng phân tích hành vi. Đây là một phương pháp tiếp cận khoa học nhằm hiểu rõ hành vi của trẻ. ABA được đánh giá là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất trong can thiệp trẻ tự kỷ hiện nay.
1. Phương pháp ABA là gì?
Phân tích hành vi là một phương pháp tiếp cận khoa học nhằm hiểu rõ hành vi của một chủ thể.
Ứng dụng phân tích hành vi (ABA) là việc sử dụng phương pháp phân tích hành vi và dựa trên các kết quả nghiên cứu để thay đổi tích cực các hành vi quan trọng có ý nghĩa xã hội. Tự kỉ chỉ là một trong số nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng thành công phân tích hành vi.
Ứng dụng (Applied)- các nguyên tắc được ứng dụng cho những hành vi quan trọng mang tính xã hội.
Hành vi (Behavioral) – dựa trên các lý thuyết khoa học về hành vi.
Phân tích (Analysis) – sự tiến bộ được lượng hóa và từ đó có những thay đổi về can thiệp.
2. Mục đích của phương pháp ABA
ABA cải thiện nhiều mặt của trẻ tự kỷ: nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ… Đồng thời phương pháp này cũng nhấn mạnh việc loại bỏ những hành vi tiêu cực và thay thế bằng những hành vi tích cực, giúp trẻ có ứng xử phù hợp với cuộc sống.
3. Các bước tiến hành phương pháp ABA
Tổng đài tư vấn Tâm lý – Tình yêu – Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 19006172
Bước 1: Đánh giá ban đầu để kiểm tra xem kỹ năng nào trẻ đã có, kỹ năng nào chưa có.
Bước 2: Lựa chọn các mục tiêu trị liệu phù hợp đối với từng cá nhân sẽ dựa trên kết quả đánh giá ban đầu (phương pháp này không thể áp dụng cho nhiều trẻ cùng một lúc).
Bước 3: Lập nội dung rèn luyện chung và của từng buổi. Trong đó liệt kê từng kĩ năng của mọi lĩnh vực (học cách học, giao tiếp xã hội, vận động, tự chăm sóc, chơi v.v). Các kỹ năng này thường được chia nhỏ thành các kỹ năng thành phần và được sắp xếp theo trình tự phát triển, từ đơn giản đến phức tạp.
Một nhà phân tích hành vi chuyên về tự kỉ được cấp chứng chỉ công nhận sẽ lập, thực hiện và giám sát chương trình can thiệp cho trẻ. Các nhà trị liệu, thường được gọi là “những người huấn luyện” (không nhất thiết phải có chứng chỉ) sẽ làm việc trực tiếp hàng ngày với trẻ.
4. Đánh giá phương pháp ABA
Ưu điểm: Phương pháp ABA có kết quả nhất quán khi dạy những kỹ năng và hành vi mới cho trẻ tự kỷ. Cách dạy rõ ràng, dạy được nhiều kỹ năng. Nhiệm vụ được chia thành phần nhỏ, đơn giản. Chuyển hóa có hiệu quả hành vi tiêu cực. ABA có thể áp dụng ở mọi tình huống, mọi nơi: ở nhà, ở trường học, ở chợ, ở cửa hàng, trên xe, vào giờ ăn cơm, giờ giải trí/giải lao, giờ chơi…
Nhược điểm: Khi tiến hành ABA cần nhiều thời gian (30-40 giờ/tuần), cần sự tập trung công sức, tài chính, có thể kéo dài trong nhiều năm. ABA không giúp trẻ đáp ứng với hoàn cảnh mới. Người thực hiện ABA cần có chuyên môn.